Tìm hiểu thuyết Âm dương Ngũ hành trong phong thủy
Âm dương - Ngũ hành là học thuyết lâu đời thể hiện quan niệm duy vật chất phác về tự nhiên và cũng là tư tưởng chỉ đạo của phong thủy học, phân vạn vật trong vũ trụ thành hai loại lớn là âm và dương. Thuyết Âm dương cho rằng sự hình thành, phát triển và biến đổi của tất cả các sự vật đều bắt nguồn từ sự vận động và chuyển hóa của hai khí âm dương.
Âm dương – Ngũ hành là học thuyết lâu đời thể hiện quan niệm duy vật chất phác về tự nhiên và cũng là tư tưởng chỉ đạo của phong thủy học, phân vạn vật trong vũ trụ thành hai loại lớn là âm và dương. Thuyết Âm dương cho rằng sự hình thành, phát triển và biến đổi của tất cả các sự vật đều bắt nguồn từ sự vận động và chuyển hóa của hai khí âm dương. Ở bài bài viết này, hãy cùng phong thủy tìm hiểu về thuyết Âm dương Ngũ hành và cơ sở triết học của nó!
Thuyết Âm dương trong “Kinh dịch”
Học thuyết Âm dương là một loại vũ trụ quan và phương pháp luận của văn hóa truyền thống Trung Quốc, thể hiện đầy đủ trong Kinh dịch qua hào âm và hào dương. Đồng thời lấy hai khí âm dương làm trung tâm, từ trong sự vật phồn thịnh, phức tạp thiên biến vạn hóa khái quát nên tám trạng thái vật chất cơ bản, lấy tên là trời, đất, nước, lửa, sấm, gió, núi, đầm, từ đó mà sáng tạo nên Bát quái. Bát quái và 64 quẻ đều do hào âm và hào dương biến hóa mà thành, thể hiện được sự nương tựa và khống chế lẫn nhau, cho dù quẻ Càn thuần dương thì cũng sẽ có quẻ Khôn thuần âm tương phối.
Trong Dịch truyện, chúng ta có thể thấy không ít những khái niệm liên quan đến âm dương, xem âm dương là nguyên tố căn bản nhất tạo nên sự vận động, biến đổi của tất cả các sự vật trong vũ trụ. Hệ từ truyện đã khái quát cao độ nguyên lý mang tính triết học “nhất âm nhất dương chi vị đạo” (một âm một dương gọi là đạo), cho rằng âm dương là nội hàm cơ bản của “Đạo”. Tư tưởng này trong Dịch truyện là một bước phát triển trong lịch sử triết học Trung Quốc.
Sự thống nhất giữa các mặt đối lập.
Âm dương trong Kinh dịch là phạm trù có đầy đủ ý nghĩa phổ biến. Trời là dương, đất là âm, mặt trời là dương, mặt trăng là âm, núi là dương, nước là âm. Ở động vật, con đực là dương, con cái là âm. Thiên đạo có âm dương, địa đạo có cương nhu, nhân đạo có nhân nghĩa. Trong xã hội loài người, vua và dương, bề tôi là âm, quân tử là dương, tiểu nhân là âm. Nói tóm lại, tất cả vũ trụ do mối quan hệ âm dương đối lập nhau tổ thành. Hào có âm có dương, quẻ cũng có âm có dương, đây đều là sự mô tả và phản ánh của âm dương trong thế giới khách quan.
Âm và dương vừa biểu thị được sự vật đối lập nhau lại vừa có thể dùng để phân tách hai phương diện đối lập nhau cùng tồn tại trong một sự vật. Thông thường mà nói, phàm những vật vận động nhiều, hướng ngoại, hướng lên trên, nóng ấm, sáng sủa đều thuộc dương. Những vật tương đối tĩnh, hướng nội, hướng xuống dưới, lạnh lẽo, tối tăm đều thuộc âm. Dùng trời đất mà luận thì khí trời thanh nhẹ là dương, khi đất nặng, đục là âm; lấy lửa nước mà nói thì nước tính hàn mà nhuận thuộc âm, lửa tính nhiệt mà nóng thuộc dương.
Thế giới là chỉnh thể mang tính vật chất, bất kỳ sự vật nào trong giới tự nhiên đều tồn tại hai mặt âm dương đối lập mà thống nhất với nhau. Sự vận động thống nhất và đối lập của âm dương là nguyên nhân căn bản của sự phát sinh, phát triển, biến hóa và tiêu vong của tất cả các sự vật trong giới tự nhiên. Quy luật vận động mâu thuẫn, đối thống nhất của âm dương là quy luật cố hữu trong sự vận động biến hóa của tất cả các sự vật. Bản thân thế giới là kết quả của sự vận động thống nhất và đối lập của hai khí âm dương.
“Lưỡng nghi” – Lưỡng nghi là chỉ trời đất, là sự phân chia ban đầu của Thái cực, là số của trời đất, mở rộng ra nó là đại biểu cho tất cả mọi thứ có thể phân chia làm hai và sự vật là tương đối. Trong dương trạch phong thủy, mở rộng của Lưỡng nghi là Đông tứ vị và Tây tứ vị.
Đặc tính của âm dương
Âm dương là hai sự vật liên hệ với nhau, nếu không có liên hệ hoặc đối lập thì không thể dùng âm dương để phân biệt thuộc tính tương đối cũng như mối quan hệ giữa chúng. Thuộc tính âm dương của sự vật có đầy đủ năm đặc điểm dưới đây.
Tính tương đối
Thuộc tính âm dương của sự vật không phải là tuyệt đối mà chỉ là tương đối. Tính tương đối này một mặt biểu thị dưới một điều kiện nhất định giữa âm và dương có thể phát sinh sự chuyển hóa lẫn nhau, tức là âm có thể chuyển hóa thành dương, dương cũng có thể chuyển hóa thành âm, mặt khác nó thể hiện khả năng phân chia vô hạn của sự vật.
Tính tương quan
Thuộc tính âm dương của sự vật không phải là cô lập mà tương quan với nhau. Dùng âm dương để phân tích sự vật hoặc hiện tượng thì nên là những sự vật hiện tượng cùng phạm trù, cùng tầng thứ hoặc cùng có điểm chung, ngược lại những sự vật hiện tượng không tương quan thì không thể phân âm dương, như: ban ngày là dương, ban đêm là âm.
Tính phổ biến
Thuộc tính âm dương của sự vật không phải là đặc thù mà là phổ biến. Phàm những sự vật hoặc hiện tượng có mối tương quan với nhau thì đều có thể dùng âm dương để biểu thị thuộc tính và phân tích khái quát, như: nước và lửa, động và tĩnh…
Tính biến hóa
Thuộc tính âm dương của sự vật tuyệt đối không cố định mà chỉ là tương đối, trong những điều kiện nhất định chúng có thể chuyển hóa, như: khí hậu tháng 10 lạnh hơn so với khí hậu tháng 7 nên thuộc âm, nhưng lại ấm hơn so với khí hậu tháng 12 nên lại thuộc dương.
Tính có thể phân tách
Âm dương còn có đầy đủ thuộc tính có thể phân tách, trong âm có dương, trong dương có âm, có thể phân thành thuộc tính đối lập, như lấy thời gian mà nói thì ban ngày là dương, ban đêm là âm; ban ngày lại có thể phân thành buổi sáng là dương trong dương, buổi chiều là âm trong dương; ban đêm cũng có thể phân thành nửa đêm trước là âm trong âm, nửa đêm sau là dương trong âm.
Ý nghĩa cơ bản của học thuyết Ngũ hành.
Học thuyết Ngũ hành tổng kết thế giới khách quan là do 5 yếu tố cơ bản Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ cấu thành. Các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên (bao gồm cả con người) có sự phát triển và biến đổi đều là kết quả của sự vận động không ngừng và tác dụng lẫn nhau của 5 nguyên tố này. Giữa Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ luôn đối lập nhau, dựa vào nhau và chuyển hóa lẫn nhau. Đây là quy luật và nguyên nhân của quá trình sinh diệt của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Quan niệm này giản dị mà duy vật, tương tự như quy luật biến đổi vật chất của khoa học cận đại.
Sự phát triển của học thuyết Ngũ hành.
Khái niệm học thuyết Ngũ hành xuất hiện sớm nhất trong lý luận của Đạo giáo. Nó liên tục được bổ sung để hoàn thiện chỉnh thể lý luận, phù hợp việc miêu tả quy luật khách quan. Nếu như nói âm dương là một học thuyết thống nhất giữa các mặt đối lập thì có thể cho Ngũ hành là một hệ thống lý luận phổ biến.
Cuối thời Tây Chu đã từng tồn tại quan điểm duy vật thô sơ: “Ngũ tài thuyết”. Trong thiên Hồng phạm, Thượng thư: “Ngũ hành, nhất viết Thủy, nhị viết Hỏa, tam viết Mộc, tứ viết Kim, ngũ viết Thổ”; “Thủy viết nhuần hạ, Hỏa viết viêm thượng, Mộc viết khúc trực, Kim viết tổng cách, Thổ ái giá sắt” (Ngũ hành, thứ nhất là Thủy, thứ hai là Hỏa, thứ ba là Mộc, thứ tư là Kim, thứ năm là Thổ; Thủy thấm xuống, Hỏa bốc lên, Mộc phát triển, Kim thuận theo sự thay đổi, Thổ ưa việc đồng áng).
Thiên Hồng phạm đem mọi sự vật trong vũ trụ quy về Ngũ hành đồng thời giới định, phân biệt tính chất của Ngũ hành như sau: “Thủy viết nhuẩn hạ”, là nói nước có đầy đủ đặc tính sự thấm nhuần, hướng xuống dưới. “Hỏa viết viêm thượng” là nói lửa có đầy đủ đặc tính phát nhiệt, hướng lên trên. “Mộc viết khúc trực” là nói cây có đầy đủ đặc tính sinh trưởng, phát triển. “Kim viết tổng cách” là nói kim loại có đầy đủ đặc tính tiêu trừ, biến đổi. “Thổ ái giá sắt” là nói đất có đầy đủ đặc tính nuôi trồng, dưỡng dục. Từ đó cho thấy, trong giai đoạn này, người ta đã dùng thuộc tính Ngũ hành để miêu tả các sự vật, hiện tượng, suy diễn ra các sự vật hiện tượng tồn tại trong thế giới khách quan, cấu thành một hình thức tổ hợp cố định.
Thời kỳ Chiến quốc xuất hiện tư tưởng tương sinh tương khắc của Ngũ hành, từ thứ tự lần lượt về sự sinh khắc với các yếu tố đã hình thành mô thức quan hệ tương hỗ của sự vật, thể hiện một cách tự phát quan hệ kết cấu trong bản thân sự vật. Trong giai đoạn này, sách Hoàng Đế nội kinh đã vận dụng học thuyết Ngũ hành vào y học, chỉnh lý và nghiên cứu kinh nghiệm lâm sàng của người cổ đại, hình thành nền móng cơ bản của hệ thống lý luận Đông y.
Đặc tính của Ngũ hành
Ngũ hành không chỉ biểu thị năm loại vật chất cơ bản mà còn là biểu tượng của phù hiệu và các trạng thái không giống nhau.
Đặc tính của Kim
Kim chủ về đức nghĩa. Kim là “tòng cách”, tòng có nghĩa là thuận, phục tùng; “cách” có nghĩa là biến đổi, cải cách. Cho nên đặc tính của Kim có thể mềm có thể cứng, có thể dài ra nhỏ lại, đàn hồi.
Đặc tính của Mộc
Mộc chủ về đức nhân. Mộc là “khúc trực”, “Khúc” có nghĩa là thẳng, vươn lên. Cho nên đặc tính của Mộc là thẳng mà vươn cao, Mộc có thể hấp thu khí của Thủy Thổ, trưởng thành và phát triển. Cho nên nói, Mộc là sự phát triển nhu hòa, có tính nhân từ, thẳng thắn, hài hòa vậy.
Đặc tính của Thủy
Thủy chủ về đức trí. Thủy là “nhuần hạ”. “Nhuần” có nghĩa là thấm ướt, “hạ” có nghĩa là hướng xuống dưới. Cho nên đặc tính của Thủy là thấm ướt xuống dưới, đại diện cho sự thông minh, linh hoạt, tính thiện.
Đặc tính của Hỏa
Hỏa chủ về đức lễ. Hỏa là “viêm thượng”. “Viêm” có nghĩa là phát nhiệt, “thượng” có nghĩa là bốc lên. Cho nên đặc tính của Hỏa là phát nhiệt bốc lên trên, có khả năng giữ ấm, giữ nhiệt, chế luyện kim loại, có tính gấp gáp.
Đặc tính của Thổ
Thổ chủ về đức tín. Thổ là “giá sắt”. Trồng trọt là “giá”, thu hoạch là “sắt”. Đất có thể chứa muôn vật, có chức năng sinh hóa và dưỡng dục nên là mẹ của muôn vật. Vì là mẹ nên có tính đôn hậu.
Ngũ hành tương sinh.
Kim sinh Thủy | Tôi luyện có thể biến kim loại thành nước, cho nên Kim sinh Thủy. |
Thủy sinh Mộc | Nước thấm nhuần mà thúc đẩy cây sinh trưởng cho nên Thủy sinh Mộc. |
Mộc sinh Hỏa | Tính ấm áp, có Hỏa ẩn bên trong, cây có thể sinh ra lửa, cho nên Mộc sinh ra Hỏa. |
Hỏa sinh Thổ | Lửa có thể đốt cháy cây cối, cây sau khi cháy biến thành tro, cho nên Hỏa sinh Thổ. |
Thổ sinh Kim | Đất chứa kim loại, đất tụ thành núi, trong núi có đá, trong đất đá có chứa kim loại, cho nên Thổ sinh Kim. |
Ngũ hành tương khắc.
Kim khắc Mộc | Kim có thể chế thành đao, đao có thể dùng để chặt cây nên Kim khắc Mộc. |
Mộc khắc Thổ | Gốc cây nằm trong lòng đất, có thể hút hết màu mỡ trong đất nên Mộc khắc Thổ. |
Thổ khắc Thủy | Đất có thể dùng để ngăn nước nên Thổ khắc Thủy. |
Thủy khắc Hỏa | Nước có thể dập tắt lửa, cho nên Thủy khắc Hỏa. |
Hỏa khắc Kim | Lửa có thể làm nóng chảy kim loại cho nên Hỏa khắc Kim. |
Ngũ hành tương sinh, tương khắc cũng như âm dương, là hai mặt của một sự vật không thể tách rời, bổ trợ lẫn nhau, tác động đến nhau.
Vượng, tướng, hưu, tù, tử
“Vượng” là chỉ trạng thái thịnh vượng, “tướng” chỉ trạng thái sau vượng; “hưu” chỉ trạng thái nghỉ ngơi; “tù” chỉ trạng thái suy yêu, giam cầm; “tử” chỉ trạng thái khắc chế mà không còn sinh khí.
Ngũ hành được vận hành trong bốn mùa. Trong bốn mùa, Ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ luôn luôn tồn tại. Cũng chính bởi vậy mà dẫn tới sự thay đổi của bốn mùa. Ngũ hành nhận sự ảnh hưởng của hoàn cảnh tự nhiên này mà phát sinh ra chu kỳ biến đổi vượng suy, vượng có thể từ nó mà chuyển thành suy, suy có thể từ nó mà chuyển thành vượng, tuần hoàn vô cùng. Bên cạnh đó, do mối quan hệ tương hỗ giữa các yếu tố trong Ngũ hành nên trong một thời điểm nhất định quá trình suy vượng của Ngũ hành không giống nhau. Mỗi một giai đoạn có thể xuất hiện sự thịnh vượng hoặc sự suy yếu.
Sự vượng, tướng, hưu, tù, tử của Ngũ hành trong bốn mùa.
Căn cứ vào bảng dưới đây, chúng ta có thể phát hiện ra một quy luật: Đương lệnh là vượng, cái ta sinh là vượng, cái sinh ra ta là hưu, cái khắc ta là tù, cái ta khắc là tử. Lấy ví dụ về hành Mộc, mùa xuân là thời điểm Mộc đương lệnh, cho nên Mộc vượng; Hỏa là do Mộc sinh ra nên Hỏa tướng; Thủy sinh ra Mộc nên Thủy hưu; mùa xuân Mộc đang ở thế mạnh, Kim không thể có lực mà khắc được Mộc nên Kim tù; Thổ bị Mộc khắc nên Thổ tử.
Xuân | Mộc vượng | Hỏa tướng | Thủy hưu | Kim tù | Thổ tử |
Hạ | Hỏa vượng | Thổ tướng | Mộc hưu | Thủy tù | Kim tử |
Thu | Kim vượng | Thủy tướng | Thổ hưu | Hỏa tù | Mộc tử |
Đông | Thủy vượng | Mộc tướng | Kim hưu | Thổ tù | Hỏa tử |
Tứ Quý | Thổ vượng | Kim tướng | Hỏa hưu | Mộc tù | Thủy tử |
Trong ứng dụng cụ thể, nếu một người được sinh ra trong mùa xuân, trong bát tự lấy Mộc làm chủ mà thời điểm đương lệnh lại lấy Kim làm chủ, có thể thấy Ngũ hành bản mệnh của người đó đang ở trạng thái tù, không được thời, tương tự như vậy với các trường hợp khác. Từ trên, chúng ta có thể đưa ra bảng về sự vượng, tướng, hưu, tù, tử của Ngũ hành trong bốn mùa như sau:
Mộc | Xuân vượng | Đông tướng | Hạ hưu | Tứ quý tù | Thu tử |
Hỏa | Hạ vượng | Xuân tướng | Tứ quý hưu | Thu tù | Đông tử |
Thổ | Tứ quý vượng | Hạ tướng | Thu hưu | Đông tù | Xuân tử |
Kim | Thu vượng | Tứ quý tướng | Xuân tù | Hạ tù | Đông tử |
Thủy | Đông vượng | Xuân tướng | Hạ tù | Thu tướng | Tứ quý tử |